Ngày 12/6/2023 tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã diễn ra hội nghị ra mắt Dược thư quốc gia Việt Nam lần xuất bản thứ ba. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dự và phát biểu tại hội nghị.
Tham dự hội nghị có PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Dược thư Quốc gia Việt Nam lần ba; PGS.TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, các Bệnh viện, Viện tham gia công tác điều trị, Trường Đại học Dược Hà Nội; Trung tâm Dược điển- Dược thư Việt Nam; đông đảo các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học trực tiếp tham gia công tác biên soạn Dược thư.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Dược thư Quốc gia Việt Nam ra đời từ năm 2002, từ đó đến nay, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Dược thư ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Thứ trưởng cũng khẳng định: Dược thư đã được đội ngũ chuyên gia hàng đầu của Việt Nam xây dựng dựa trên một phương pháp hợp lý, một quy trình chặt chẽ, khoa học với các thông tin trong mỗi chuyên luận thuốc khá đầy đủ, bao gồm các hướng dẫn về chỉ định, chống chỉ định, thận trọng khi dùng thuốc, hướng dẫn về liều lượng cách dùng, về tác tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc, về dược lực học dược động học….
“Tôi tin rằng đây sẽ là một tài liệu rất đáng tin cậy, có giá trị thực tiễn cao, cung cấp những thông tin quan trọng, khách quan về thuốc, để các thầy thuốc tra cứu, cân nhắc trước khi quyết định kê dơn và chỉ định dùng thuốc cho mỗi người bệnh cụ thể” - Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng đề nghị, Cục Quản lý Dược, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Trung tâm Dược điển – Dược thư Việt Nam nghiên cứu tiếp tục trình Bộ Y tế sớm thành lập Hội đồng Dược thư Quốc gia Việt Nam lần IV. Đồng thời, nghiên cứu đưa vào Dược thư Quốc gia Việt Nam các thuốc sinh học và thuốc sinh học phân tử, đây là xu hướng của thế giới.
Dược thư quốc gia Việt Nam lần xuất bản thứ ba, gồm 2 tập, với khoảng 750 dược chất trong số hơn 1.000 dược chất hiện diện trong hơn 10.000 dược phẩm đang được phép lưu hành trên thị trường Việt Nam, bao gồm các thuốc có trong danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam; Danh mục các thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế và một số thuốc chuyên khoa.
So với Dược thư quốc gia Việt Nam lần xuất bản thứ hai, trong lần xuất bản thứ ba này, Dược thư Quốc gia Việt Nam đã bổ sung thêm 102 chuyên luận mới, bao gồm 2 chuyên luận chung và 100 chuyên luận thuốc. Bên cạnh đó, 46 dược chất cũng được rút khỏi danh mục do không còn hoặc rất ít được sử dụng ở Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, các thông tin liên quan đến độ ổn định và bảo quản không còn được đề cập trong từng chuyên luận riêng mà được viết thành một hướng dẫn trong chuyên luận chung “Độ ổn định và bảo quản thuốc”. Một thay đổi khác là mục tên thương mại đã được rút bỏ do tên thương mại của các dược chất có mặt trên thị trường Việt Nam thay đổi liên tục.