Những cơn mưa kéo dài cùng độ ẩm cao tạo môi trường thuận lợi cho các yếu tố gây bệnh phát triển và lây lan. Một số bệnh thường gặp trong mùa mưa như cảm lạnh, cúm, sốt rét, thương hàn… có thể gây khó chịu cho cơ thể của bạn. Dưới đây là cách nhận biết và phòng tránh những bệnh thường gặp trong mùa mưa.
1. CẢM LẠNH VÀ CÚM
Cảm lạnh và cúm một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Mặc dù bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày nhưng cũng không thể chủ quan vì trong một vài trường hợp, bệnh có thể chuyển biến nặng sang viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai...
Cảm lạnh và cúm do những loại virus khác nhau gây ra, nhưng các triệu chứng khá giống nhau, bao gồm: chảy nước mũi và nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, ho khan, mệt mỏi, chảy nước mắt. Người bị cúm có thể có thêm các triệu chứng: đau nhức cơ thể, nhức đầu, nhức hốc mắt, nôn mửa và tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em), có thể sốt.
Một số cách để phòng tránh cảm lạnh và cúm:
- Tiêm vắc xin phòng cúm, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tháng tuổi và người lớn trên 65 tuổi, người bị bệnh đường hô hấp hoặc suy giảm miễn dịch.
- Uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất để tăng cường sức khỏe.
- Giữ ấm cơ thể.
- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối.
- Rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn, sau khi ra ngoài về, tránh đưa tay lên mắt mũi miệng.
- Tránh hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Hạn chế tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh và cúm.
Trong trường hợp bệnh kéo dài không khỏi hoặc có dấu hiệu nặng hơn thì người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay.
2. SỐT RÉT
Sốt rét là bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium và có thể lây truyền qua vật trung gian là muỗi Anophen. Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa với mùa mưa kéo dài là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi phát triển. Anophen khi đốt người khỏe mạnh có thể truyền Plasmodium ký sinh trong chính nó hoặc từ người đang bị bệnh sốt rét sang. Những ký sinh trùng này sẽ di chuyển vào máu rồi phát triển ở tế bào gan và hồng cầu gây nên sốt rét.
Người bị sốt rét biểu hiện bằng các cơn rét run toàn thân, sốt cao liên tục hoặc theo chu kỳ 1-3 ngày/lần, nhức đầu, chóng mặt và buồn nôn, vã mồ hôi, mệt mỏi. Chu kỳ cơn sốt ở mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại ký sinh trùng Plasmodium gây bệnh. Trong đó P.falciparum là loại rất nguy hiểm, gây sốt rét nặng và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Chúng ta có thể phòng tránh bệnh sốt rét bằng cách ngăn ngừa muỗi như:
- Phun thuốc diệt muỗi định kỳ trong nhà và khu vực xung quanh để diệt muỗi, bọ gậy và loăng quăng, đặc biệt là ở bụi cỏ, lu nước, ao tù và các vũng nước đọng.
- Đậy kín dụng cụ chứa nước hoặc thả cá vào các bể chứa nước.
- Thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, thay nước thường xuyên trong các thau chậu, bình cắm hoa, tránh để nước tù đọng.
- Dọn dẹp, phát quang cây cỏ xung quanh nhà để tránh muỗi trú ngụ.
- Mặc quần áo dài tay và mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
- Bôi thuốc phòng muỗi hoặc sử dụng dụng cụ đuổi muỗi.
- Phối hợp với chính quyền hoặc cơ sở y tế trong các đợt phun thuốc phòng muỗi.
Khi có biểu hiện của bệnh sốt rét, người bệnh nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị.
3. SỐT XUẤT HUYẾT
Sốt xuất huyết cũng là bệnh lây truyền qua muỗi do virus Dengue gây ra. Muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn, chủ yếu là hai loại Aedes aegypti và Aedes albopictus.
Người bị sốt xuất huyết sẽ có các triệu chứng sốt cao 39-40 độ C, sốt một cách đột ngột kéo dài 2-7 ngày, mệt mỏi, đau đầu, đau hốc mắt, đau khớp và cơ, có thể phát ban. Khi bệnh trở nặng có biểu hiện xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, buồn nôn và nôn ói, đau bụng và tiêu chảy, chân tay lạnh, người vật vã hốt hoảng…
Bệnh có thể trở nặng gây xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não và tử vong, vì vậy khi bị sốt cao đột ngột người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị, không nên tự điều trị tại nhà.
Các biện pháp để phòng tránh sốt xuất huyết cũng giống như bệnh sốt rét, quan trọng là cần diệt muỗi và loại bỏ các yếu tố môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển.
4. ĐAU MẮT ĐỎ
Mưa nhiều làm nguồn nước dễ bị nhiễm bẩn cùng độ ẩm cao tạo điều kiện cho virus phát triển làm tăng nguy cơ bị bệnh đau mắt đỏ. Bệnh có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt gia tăng mạnh trong mùa mưa.
Người bị đau mắt đỏ sẽ có biểu hiện sau: cảm giác cộm, ngứa, nóng rát mắt, sưng mắt, đỏ mắt, nhìn mờ, mi mắt nặng, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, có thể sốt nhẹ. Thông thường bệnh sẽ khỏi trong 1 tuần, nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng giác mạc và giảm thị lực.
Bạn có thể phòng tránh đau mắt đỏ bằng cách:
- Giữ gìn vệ sinh cẩn thận, rửa tay thường xuyên và không đưa tay dụi mắt.
- Không dùng chung khăn mặt và thuốc nhỏ mắt với người khác.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh.
Nếu bạn bị bệnh thì cần tránh tiếp xúc với người khác, không nên tự mua thuốc uống hay nhỏ mắt, mà cần đi đến cơ sở y tế để được điều trị.
5. BỆNH ĐƯỜNG TIÊU HÓA
Một số bệnh đường tiêu hóa có thể gặp trong mùa mưa lũ như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, lỵ trực khuẩn, lỵ amíp…
Tiêu chảy cấp xảy ra do nhiễm ký sinh trùng Giardia, E.coli, trực khuẩn tả, Rota virus, hoặc Norwalk virus. Biểu hiện của tiêu chảy cấp là tiêu chảy nặng, mệt mỏi, giảm cân, buồn nôn, chán ăn, chuột rút cơ bắp. Ở bệnh lỵ sẽ có các triệu chứng đau bụng, mót rặn, đi phân có máu, có thể bị sốt.
Một số cách để phòng tránh bệnh đường tiêu hóa là:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh tả cho trẻ trong 6 tháng đầu sau sinh.
- Ăn chín uống sôi. Với rau quả tươi cần được rửa bằng nước sạch và ngâm qua muối.
- Ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, tránh ăn thực phẩm đã nguội hoặc có tính hàn.
- Bổ sung đầy đủ nước.
- Đậy kín thức ăn, tránh ruồi nhặng đậu.
- Rửa tay sạch sẽ và tránh tiếp xúc với chất thải của người bệnh.
Khi có biểu hiện tiêu chảy nặng hoặc đi phân có máu, người bệnh cần đến cơ sở y tế để xác định nguyên nhân và điều trị hiệu quả.
6. CÁC BỆNH VỀ DA
Tiếp xúc với nước mưa hoặc các vùng nước ngập ô nhiễm có thể gây ra một số bệnh như nước ăn chân, ghẻ, nấm, viêm nang lông, mụn, mẩn ngứa….
Bệnh nước ăn chân (nấm kẽ chân) hay gặp khi chân bị ẩm ướt do mang giày liên tục. Biểu hiện ban đầu là những đám da chết màu trắng, ngứa, lột da, đau rát, ngứa; sau đó bệnh có thể lan rộng, loét, nhiễm trùng sưng đau, ảnh hưởng đi lại. Nấm còn có thể xảy ra ở bàn chân, bàn tay, móng chân và móng tay.
Ghẻ dễ xảy ra trong điều kiện vệ sinh kém, biểu hiện là những mụn nước ở kẽ ngón tay, rảnh ghẻ, nếp lằn ở cổ tay, vùng bụng, đùi non, mông bẹn, gây ngứa và có thể phát triển thành mụn mủ khó điều trị hơn.
Viêm nang lông là tình trạng những mụn mủ nhỏ, ngứa xuất hiện ở chân lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày và chân tóc, rất khó chữa khỏi hoàn toàn.
Một số bệnh ngoài da đều có thể lây lan, để phòng tránh bạn cần:
- Mặc áo mưa khi trời mưa, tránh tiếp xúc với nước mưa và đường ngập nước.
- Cần tắm rửa sạch sẽ và lau khô người sau khi đi mưa về.
- Quần áo, giày dép, chăn nệm cần được giặt giũ và phơi phóng.
- Khi da bị tổn thương, có vết xước, ngứa, loét, cần vệ sinh bằng nước sạch, nước muối sinh lý hoặc bôi thuốc thích hợp, tránh gãi hay cào xước.
- Trong trường hợp cần thiết cần đi khám da liễu để được kê thuốc trị dứt điểm.
Ngoài những bệnh trên, mùa mưa kết hợp với gió lạnh có thể làm các bệnh mạn tính như hen suyễn, đau cơ xương khớp… trở nặng. Vì vậy cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là bạn luôn đem theo áo mưa, ô dù khi đi ra ngoài; mặc áo dày, lau khô người và sử dụng đồ uống nóng để giữ ấm cơ thể; thường xuyên rửa tay, giữ vệ sinh cơ thể, nhà cửa và khu vực làm việc; tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vitamin và khoáng chất, tránh thực phẩm có tính hàn, uống nhiều nước, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thể chất mỗi ngày sẽ giúp tăng sức đề kháng trước tác nhân gây bệnh.