Viêm họng: Bệnh thường gặp và những biến chứng gì?
Y tế Kon Rẫy
2023-06-26T04:51:34-04:00
2023-06-26T04:51:34-04:00
https://trungtamytehuyenkonray.vn/song-khoe/viem-hong-benh-thuong-gap-va-nhung-bien-chung-gi-162.html
https://trungtamytehuyenkonray.vn/uploads/news/2023_06/viemhong.jpg
Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy
https://trungtamytehuyenkonray.vn/uploads/images.jpg
Thứ năm - 08/06/2023 22:06
Viêm họng là tình trạng sưng, đau rát, vướng trong cổ họng. Hầu hết các cơn đau họng là do nhiễm virus và vi khuẩn. Viêm họng thường xảy ra vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết giao mùa. Viêm họng có thể cấp tính hoặc mạn tính với các nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị khác nhau.
Viêm họng là tình trạng sưng, đau rát, vướng trong cổ họng. Hầu hết các cơn đau họng là do nhiễm virus và vi khuẩn. Viêm họng thường xảy ra vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết giao mùa. Viêm họng có thể cấp tính hoặc mạn tính với các nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị khác nhau.
VIÊM HỌNG LÀ GÌ?
Viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị viêm do các tác nhân virus hoặc vi khuẩn gây ra. Bệnh rất thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, nhất là khi thời tiết lạnh hoặc thay đổi thời tiết.
Viêm họng có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời cùng với các tình trạng:
- Viêm VA
- Viêm amidan
- Viêm mũi
- Viêm xoang
- Các bệnh đường hô hấp trên: cúm, cảm lạnh, sởi…
Đa phần các trường hợp viêm họng không nguy hiểm. Nhưng một số ít trường hợp viêm họng ở người sức khỏe yếu hoặc điều trị không tốt - nhất là nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, có thể tiến triển gây ra biến chứng nguy hiểm.
VIÊM HỌNG CÓ THỂ GÂY BIẾN CHỨNG GÌ?
Đa phần các trường hợp viêm họng do virus là bệnh nhẹ, các triệu chứng sẽ giảm dần sau 3-5 ngày. Các trường hợp viêm họng nặng thường là do bội nhiễm vi khuẩn, nhất là liên cầu tan huyết, khiến bệnh kéo dài và cần điều trị thích hợp. Nếu không điều trị, viêm họng có thể gây ra các biến chứng:
- Biến chứng tại chỗ: Viêm tấy hoặc áp xe quanh amidan, vùng họng, thành sau họng. Hiếm gặp nhưng nguy hiểm là viêm tấy hoại tử vùng cổ.
- Biến chứng lân cận: Viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm mũi viêm xoang cấp.
- Biến chứng xa: Viêm thận, viêm khớp, viêm tim, choáng nhiễm độc liên cầu, thậm chí là nhiễm trùng huyết.
Với viêm họng mạn tính thì nếu không điều trị thích hợp, bệnh sẽ dai dẳng và dễ tái phát.
CÓ NHỮNG LOẠI VIÊM HỌNG NÀO
Viêm họng bao gồm viêm họng cấp tính và viêm họng mạn tính.
- Viêm họng cấp tính: Là tình trạng viêm cấp tính của niêm mạc họng miệng kết hợp chủ yếu với viêm amidan.
- Viêm họng mạn tính: Là tình trạng viêm họng kéo dài, bao gồm các hình thức viêm họng xuất tiết, viêm họng mạn tính quá phát (viêm họng hạt) và viêm họng teo. Viêm họng có thể khu trú hoặc lan tỏa với các thể điển hình là viêm VA mạn tính và viêm amidan mạn tính.
NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM HỌNG
a. Nguyên nhân gây viêm họng cấp tính
Viêm họng cấp tính xảy ra do virus hoặc vi khuẩn. Thường là nhiễm virus trước, sau đó bội nhiễm các tạp khuẩn khác mà thường là các vi khuẩn hội sinh có sẵn trong họng như liên cầu, phế cầu.
Bệnh có thể lây từ người này qua người khác bằng nước bọt, nước mũi.
Các tác nhân gây viêm họng là:
- 60-80% trường hợp viêm họng là do virus. Bao gồm: Adenovirus, virus cúm, virus parainfluenzae, virus Coxsakie, virus Herpes, virus Zona, EBV…
- 20-40% trường hợp viêm họng là do vi khuẩn. Bao gồm: liên cầu tan huyết nhóm A (thường gặp), liên cầu tan huyết nhóm B, C & G (ít gặp), Haemophilus influenzae, tụ cầu vàng, Moraxella catarrhalis, vi khuẩn kỵ khí, hiếm gặp là các vi khuẩn Neiseria, phế cầu, Mycoplasme.
b. Nguyên nhân gây viêm họng mạn tính
Viêm họng mạn tính xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Viêm mũi xoang mạn tính.
- Viêm amidan mạn tính.
- Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
- Tắc mũi mạn tính (do vẹo vách ngăn, quá phát cuốn, polyp mũi).
- Do tiếp xúc với khói bụi, các chất kích thích (vd: hơi hóa học, vôi, xi măng, thuốc lá, rượu…)
- Cơ địa: dị ứng, tạng tân (Terrain Lymphatique), tạng khớp…
TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM HỌNG LÀ GÌ?
Viêm họng cấp tính thường xảy ra đột ngột, gây ra các triệu chứng:
- Đau rát họng, nhất là khi nuốt
- Cảm giác đau nhói lên tai khi nói, nuốt, ho
- Ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm
- Sốt vừa hoặc sốt cao
- Ớn lạnh
- Nhức đầu
- Đau nhức người
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Có hạch góc hàm, ấn vào di động, hơi đau
Viêm họng mạn tính thường hay tái phát khi bị cảm lạnh, cúm… với các triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau rát họng. Các triệu chứng khác là:
- Khô họng
- Mắt đau, ngứa
- Triệu chứng nặng hơn vào buổi sáng
- Cảm giác vướng và đau khi nuốt
- Ho khạc dai dẳng để làm long đờm
- Giọng nói có thể bị khàn nhẹ
- Nóng rát vùng ngực (trong trường hợp có bệnh trào ngược dạ dày thực quản)
KHI NÀO VIÊM HỌNG CẦN ĐI KHÁM BÁC SĨ?
Trong hầu hết các trường hợp, viêm họng sẽ cải thiện khi điều trị tại nhà. Nhưng bạn nên đi khám nếu:
- Viêm họng vài ngày không thuyên giảm
- Viêm họng nặng và kéo dài
- Sốt cao kéo dài
- Sưng mặt hoặc cổ
- Đau tai
- Phát ban
- Khó thở
- Khó nuốt
- Khó mở miệng
- Có máu trong nước bọt hoặc đờm
- Khàn tiếng kéo dài hơn hai tuần
- Viêm họng tái phát thường xuyên
ĐIỀU TRỊ VIÊM HỌNG NHƯ THẾ NÀO?
Hầu hết các bệnh viêm họng, ngoại trừ viêm họng do liên cầu khuẩn, đều không cần dùng kháng sinh.
a. Điều trị viêm họng cấp tính
Viêm họng cấp tính do virus thường có thể thuyên giảm sau 3-5 ngày và khỏi hẳn trong vòng 10 ngày. Uống thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm viêm để điều trị triệu chứng. Không cho trẻ nhỏ hơn 18 tuổi uống aspirin vì có thể gây nguy hiểm.
Chỉ sử dụng kháng sinh trong trường hợp nhiễm khuẩn. Nếu sử dụng kháng sinh thì cần uống đúng liều lượng, không tự ý ngưng hay bỏ thuốc để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh.
Ngoài ra, cần uống nhiều nước, xúc họng ngày 3-4 lần, có thể ngậm viên ngậm trị đau họng.
Khi viêm họng cấp bệnh nặng hoặc có biến chứng thì cần điều trị tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ.
b. Điều trị viêm họng mạn tính
Điều trị viêm họng mạn tính cần điều trị nguyên nhân và triệu chứng. Nếu không điều trị các nguyên nhân gây viêm họng như viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA, hội chứng trào ngược… thì viêm họng sẽ dễ tái phát.
Tùy thuộc vào loại viêm họng mạn tính mà có hướng điều trị khác nhau. Điều trị triệu chứng bao gồm sử dụng thuốc để giảm đau, kháng viêm, súc họng, nhỏ mũi, rửa mũi, thuốc làm lỏng chất nhầy, thuốc chống dị ứng, thuốc giảm ho…
Ngoài ra, người bệnh cần thay đổi lối sống, môi trường sinh hoạt và làm việc nếu có thể để hạn chế viêm họng tái phát. Bổ sung thêm các vitamin để tăng cường sức khỏe như vitamin C, A, D.
CÁCH PHÒNG NGỪA VIÊM HỌNG
Dưới đây là một số cách giúp phòng ngừa viêm họng:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị viêm đường hô hấp trên, cảm lạnh, cúm…
- Có chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh để nâng cao sức đề kháng.
- Đảm bảo chất lượng không khí trong nhà.
- Khi đi ra ngoài đến những nơi ô nhiễm, cần đeo khẩu trang.
- Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia.
- Vệ sinh răng miệng tốt.
- Phòng hộ lao động tốt.
- Tiêm đầy đủ các loại vaccine theo độ tuổi.
- Khi bị viêm mũi, viêm xoang, viêm VA, viêm amidan hay hội chứng trào ngược thì cần điều trị triệt để.